Hôm nay 27/7 – kỉ niệm 77 năm ngày thương bịnh liệt sĩ. Chắc chị em chưa biết, thế kỉ 19-20, Việt Nam trải qua rất nhiều cuộc chiến, bị các cường quốc phát xít hùng mạnh nhất lúc bấy giờ dòm ngó.
Và để có được nền hoà bình hôm nay, để có được những giây phút bình an ngồi viết những dòng này, có rất nhiều chiến sĩ đã nằm xuống. Cái giá của độc lập – tự do là quá lớn. Hôm qua, chúng ta lại mất đi một chiến sĩ – chiến sĩ thời bình kiệt xuất.
Một phút nghiêng mình kính cẩn Tèo dành cho những người có công với Tổ quốc đã khuất.
Chị em trong danh sách bạn bè của Tèo, ắt hẳn được sinh ra ở thời bình, nên không thể cảm nhận được sâu sắc mất mát thời chiến tranh như thế nào. Nhưng nếu chị em đã từng xem các bộ phim tài liệu, hoặc tìm hiểu về lịch sử, hay đâu đó được sinh ra trong gia đình có người làm cách mạng, sẽ hiểu được phần nào cảm xúc trong ngày này.
Tèo luôn được kể về những sự kiện của Việt Nam thời chiến qua lời của ông bà và cha mẹ. Ông ngoại Tèo tham gia cách mạng năm 16 tuổi, ngày đó có lệnh tổng động viên là ông ngoại bỏ cặp sách xuống, vác súng đi. Tèo nghe mẹ kể rằng, hồi đó ông bà cố không có cho đi, vì sợ mất con, nhưng bằng sự quyết tâm, ông ngoại cũng gạt sang một bên, một mình nhập ngũ.
Lúc bấy giờ, một gia đình mà có con nhập ngũ là coi như xác định một đi không trở lại, vì chiến tranh vốn dĩ khắc nghiệt, chưa kể thông tin liên lạc còn thô sơ, để nắm bắt được tình hình rất khó. Ngày ông đi là ngày bà cố khóc đến cạn cả nước mắt.
Ông kể lại, ngày ấy hành quân, đi 6 tháng trời mới đến được điểm tập kích. Tiểu đội đi mười mấy người thì chết gần hết vì sốt rét, đồ ăn ko có, chỉ có thể uống nước suối cầm hơi ngày qua ngày. Ông đi năm 16 tuổi và gần 50 tuổi mới quay về, 35 năm không hề có liên lạc với gia đình.
Còn mẹ Tèo thì bảo rằng, hồi còn nhỏ đi học, cứ mỗi lần nghe còi báo động là chui xuống hầm. Có ngày xách cái giỏ đi chợ, ra đến thì thấy địch ném bom, xác chết nằm la liệt. Hồi đó sống chết mỏng manh lắm, không biết về chầu ông bà lúc nào. Chưa kể hồi đó dân mình nghèo, toàn ăn sắn với bo bo để sống, khổ lắm con ạ.
Mỗi lần nhớ lại những câu chuyện đó, Tèo cảm thấy rùng mình và thật sự biết ơn, vì khi sinh ra đã đủ đầy và bình an đến thế. Vậy nên được xem những giai thoại hào hùng của dân tộc, những video liên quan đến lòng tự tôn của quốc gia, không lúc nào mà Tèo cầm được nước mắt.
Chị em thân mến, những di chứng về chiến tranh vẫn còn nguyên ở đó, nỗi đau tiền tuyến vẫn luôn hiện hữu những ngày nay. Nhưng chúng ta vẫn luôn mạnh mẽ, vẫn luôn hiên ngang. Chưa bao giờ mà Tèo thấy Việt Nam có một vị thế tuyệt vời như ngày hôm nay.
Hình ảnh Nam Bắc tụ họp ngày hôm qua, nhìn đoàn đoàn người xếp nhau đi viếng cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nhìn những chiếc ô che nắng cho các chiến sĩ làm nhiệm vụ, nhìn cái cách bà con giúp đỡ lẫn nhau bằng cách này cách kia, thực sự tự hào về dân tộc Việt Nam. Nếu có kiếp sau, Tèo vẫn mong muốn mình là người con của Việt Nam.
Trên hết, Tèo vẫn luôn nhắc nhở bản thân mình phải luôn cố gắng nỗ lực học tập, không ngừng phấn đấu để xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn. Việt Nam trong 20 năm tới có phát triển hay không là nằm trong chính tay của những người trẻ tuổi như Tèo, và chị em 8x-9x-2k.
Và nếu có một lí tưởng, Tèo xin nhắc lại câu nói nổi tiếng: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân“