Điều gì là quan trọng nhất?

Việt Nam những ngày gần đây, đan xen những niềm vui và nỗi buồn, vui vì được Tổng thống Mỹ ghé thăm, đất nước chúng ta được nâng lên đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, buồn vì sự kiện cháy chung cư Mini tại Hà Nội. Do công việc cũng nhiều nên Tèo cũng không nắm rõ, nhưng hôm nay, sau khi từ văn phòng về nhà, lướt một vài video tiktok, chứng kiến được sự tan thương của vụ cháy ấy. Có một chi tiết thực sự đã đi vào sâu tận trái tim Tèo, khiến Tèo phải rơi nước mắt.

Một thanh niên trong đám cháy, không thoát được ra ngoài, tuyệt vọng, chàng trai gọi điện về cho bố của mình với giọng gấp gáp lúc nửa đêm:”Bố ơi, cháy rồi! Con bị ngạt rồi”, sau đó là mất liên lạc với con. Sau đó kết quả thì chị em cũng biết.

Tèo hỏi chị em: “Nếu chị em là người bố lúc đó, chị em sẽ làm gì?” Cảm giác sẽ sắp mất đi một người thân thuộc với mình như thế nào, lật lại từng trang kí ức, Tèo kể cho chị em nghe một câu chuyện mà chính Tèo đã từng trải qua, chứng kiến người thân thuộc nhất của mình rời đi.

Năm 2021, vừa hết phong tỏa Covid, Tèo và chị của mình lên đường về quê, vì nghe tin bà ngoại đã già yếu. Gia đình đưa đi bệnh viện chữa trị, thì biết bà bị đa bệnh, sức đề kháng khá yếu nên khó có thể duy trì được lâu. Nhưng chẳng biết đó có phải là sự sắp đặt của vũ trụ hay không, giây phút cuối đời, chính Tèo là người ngồi cạnh bên, từ từ nhìn bà rời xa
.
Một ngày cuối đông, đầu xuân, Tèo ngồi đó nhìn bà ngoại Tèo nằm trên giường bệnh, cả căn phòng ngập tràn ánh sáng. Tèo nhìn vào đôi mắt nâu nhạt và nắm lấy hai bàn tay gầy guộc của bà khi ngực bà phồng lênh rồi xẹp xuống. Bà đang hít thở chậm rãi, và Tèo có thể nghe thấy tiếng khò khè khi luồng khí đi vào phổi bà. Đây là một cuộc chiến lâu dài, căm go với bà, nhưng bà vẫn còn sống. Tèo còn nhớ khi nhìn vào đôi mắt bà, Tèo muốn bật khóc. Tèo rất gắn bó với bà ngoại. Tèo là đứa cháu mà theo những người họ hàng trong gia đình truyền tai nhau: “Nó là cháu ngoại đức tôn của nhà họ Lê đấy”. Tèo nhớ lại khoảng thời gian ở bên bà, nhớ lại mọi kỉ niệm của Tèo và bà. Bà vốn dĩ là người gốc Bắc nhưng theo chồng vào miền Trung, đến với miền đất mới này để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con cái cùng gia đình mình. Bà đã hi sinh rất nhiều để ở lại đây và đảm bảo cho con cháu được lớn lên với những cơ hội mà bà không bao giờ có. Khi ngồi đó nhìn vào đôi mắt bà, Tèo không thể ngăn được dòng nước mắt. Vì Tèo biết, thời khắc của bà đã đến, thời gian để bà còn hiện diện trên cuộc đời này chỉ còn tính bằng giây.

Bác sĩ có bảo với gia đình rằng, bà đã tuổi cao sức yếu, lại bị bệnh nặng nên khó có thể qua khỏi, gia đình nên sắp xếp đưa bà trở về nhà, mặc dù tối hôm trước bà vẫn còn khỏe, giao tiếp được. Nhưng vì một cơn sốc thuốc khi truyền dịch, bệnh tình trở nặng, bác sĩ phải cấp cứu liên tục để giữ lại sự sống cho bà. Trong lúc ấy, mọi người trong nhà dường như rối ren, không biết là nên ở hay nên về. Và được sự đồng ý của tất cả mọi người, Tèo được giao phó quyền quyết định.

Khoảnh khắc ấy là một trong những khoảnh khắc khó khăn nhất trong đời Tèo từ trước đến nay. Với Tèo, bà giống như một người mẹ thứ hai. Bà là người mà Tèo kính trọng cả đời. Tèo chưa bao giờ thấy người nào từng nói điều không hay về bà, vì vốn dĩ, bà không hề giữ lại gì cho riêng mình, cho dù đó là từng quả cam, gói bánh, nếu có bà đều cho hết con cháu trong nhà. Khi Tèo cầm bàn tay gầy guộc của bà ngày hôm ấy, Tèo đã từng nghĩ đến những ngày bà cố gắng dặn dò, dạy dỗ và Tèo không thể ngăn nổi dòng nước mắt. Nhưng khi những dòng nước mắt chạy dài trên mặt Tèo, bà đã nhìn Tèo. Bà không nói gì hết, nhưng Tèo hiểu bà đang nghĩ gì, giống như Tèo có thể đọc được suy nghĩ của bà vậy. Dường như những lời ấy đang được gửi thẳng từ tâm trí bà sang tôi. Tối hôm đó, ngủ ngoài hành lang, Tèo đã nằm mơ thấy về ngôi nhà ngày xưa của mình, bà ngoại ngồi phía trước, nhìn ra ngoài đường, phóng tầm mắt xa xăm. Tèo hiểu rằng, bà muốn được về nhà, được về chính nơi mình gắn bó ấm cúng, chứ không phải bệnh viện lạnh lẽo, với bốn bức tường trắng tinh, vô cảm vô tri.

Tèo sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc kí vào tờ giấy xuất viện và miễn trừ hoàn toàn của bệnh viện. Không bao giờ quên cảm giác khi ngồi đó nhìn sự sống lặng lẽ rời khỏi thân xác bà. Và Tèo cũng sẽ không bao giờ quên những lời tâm trí bà truyền sang tôi một cách kì lạ. Tình huống ấy giống như thể chúng tôi đang nói chuyện với nhau nhưng không phải bằng miệng. Tèo chưa từng cảm nhận điều gì tương tự trong đời mình. Cứ như thể Tèo đang chạm vào một sự thấu hiểu sâu sắc khi nguồn năng lượng từ một cuộc đời đầy trải nghiệm được gắn kết với tâm trí Tèo theo cách nào đó. Và khi Tèo tiếp tục ngồi lắng nghe từng hơi thở khò khè của bà cùng âm thanh đều đặn, nhịp nhàng phát ra từ máy đo điện tim, mọi thứ đột nhiên có ý nghĩa với Tèo. Trong suốt cuộc đời, Tèo và bà luôn có nhiều cuộc trò chuyện ý nghĩa và vui vẻ. Tèo nhớ có cái câu mà bà vẫn luôn hay nói Tèo rằng: “Đàn ông chúng mày sau này có vợ xem cái nhà xa hơn cái chợ, xem cái nhà vợ hơn cái mả cha”. Bà sống chính trực nên lúc nào cũng nói thẳng, mặc dù vậy không có ai là ghét bà vì điểm ấy. Nhưng khi ngồi nhìn bà rời khỏi cuộc sống này để đến với thế giới bên kia, Tèo cảm nhận được điều đó đang xảy ra.

Nếu từng ngồi bên một người sắp từ giã cuộc đời, chị em sẽ thấy một điều gì đang diễn tiến rất mạnh mẽ. Nguồn năng lượng tinh thần, vốn gắn kết với thể xác của họ, sẽ rời đi. Nguồn năng lượng đó rời khỏi thân xác và chị em có thể cảm thấy nó đang chuyển động. Dường như chị em có thể nhìn thấy linh hồn của người ấy đang lao vút nhanh ngang qua mình, vội vã di chuyển ra khỏi cửa chính hay cửa sổ. Kèm theo đó là một sự trống trãi đến vô cùng, giống như một người đang đứng giữa một sa mạc rộng lớn đầy nắng, mọi thứ đứng yên, không một âm thanh nào phát ra. Và dù Tèo cảm thấy đau buồn khôn xiết, nhưng lí trí khi ấy gần như trấn áp được cảm giác đau buồn trong Tèo. Vì ai trong chúng ta cuối cùng rồi cũng rời khỏi cuộc sống trần tục này. Tất cả chúng ta đều sẽ chết. Dù đôi lúc, ta cảm thấy mình như bất tử, có thể thay đổi cả thế giới, nhưng không có gì là vĩnh cữu. Ta ở hôm nay nhưng sẽ ra đi vào ngày mai.

Chị em thân mến, khi ngồi viết ra những lời này, Tèo biết mình có thể kể lại những chuyện tồi tệ từng xảy ra. Và ở đâu đó, sẽ có cảm giác tội lỗi và oán trách, trách vì sao nó lại đến với mình. Tèo buồn vì bà ngoại không còn trên thế gian này nữa, nhưng bà đã ra đi thanh thản. Rất nhiều người đã phải chịu đựng sự giày vò cả về thể xác lẫn tinh thần trước khi qua đời, giống như chàng trai trong vụ cháy kia. Nhưng dù rời khỏi thế gian trong sự bình yên, hay ra đi trong nỗi đau đớn giày vò, ta luôn có rất nhiều thứ để học hỏi về cuộc sống khi ta còn sống. Trong lúc dành thời gian để nuối tiếc quá khứ và lo lắng cho tương lai, ta quên sống cho hiện tại. Nhưng khoảnh khắc hiện tại lại quan trọng vô cùng. Khi ta kiên trì vượt qua bất kỳ nghịch cảnh hay khó khăn nào, chính khoảnh khắc hiện tại là tất cả những gì ta tập trung vào. Ta phải sống cho hiện tại và tận hưởng nó. Chính hiện tại là nơi mọi vẻ đẹp của cuộc sống trú ngụ. Khi nhận ra cuộc sống chỉ là những phút giây chóng vánh qua đi, chị em sẽ biết tập trung vào hiện tại, nhưng thường thì rất lâu chị em mới nhận ra điều ấy.

Có lẽ, khi trải qua những bi kịch to lớn, chúng ta mới biết trân trọng những gì mình đang có. Nhưng tại sao phải có sự kiện trọng đại nào đó xảy ra ta mới bắt đầu trân trọng những thứ mình đang sở hữu? Thật buồn cười vì game đời lại vận hành theo cách này. Cuộc sống thật sự là một món quà, nó được thượng đế ban xuống để chúng ta tận hưởng, thưởng thức. Và vì mỗi người có một lượng thời gian như nhau, nên chúng ta cần học cách sử dụng nó sao cho thật bổ ích.

Có thể người bố kia đang rất, rất đau lòng, nhưng bình minh rồi sẽ xuất hiện sau màn đêm u tối. Ngày mai mặt trời sẽ lại lên và cuộc sống cứ thế tiếp diễn. Tèo hi vọng không những người bố mà các gia đình có người thân rời đi trong vụ hỏa hạn, mau sớm lấy lại tinh thần, để tiếp tục vì những người đã mất, sống trọn vẹn khoảng đời còn lại, để họ ở trên cao, khi nhìn xuống, cũng cảm thấy vui lòng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *