Everest Base Camp – Người Sherpa

VIẾT CHO NGƯỜI SHERPA

Mấy hôm nay lên trên núi không có 3G để viết nhật ký hành trình, thôi thì lỡ hẹn với mọi người trên Fb vậy. Về việc lên đỉnh như thế nào sẽ nói sau, vì mình quá ngưỡng mộ người Sherpa nên hôm nay sẽ viết riêng một post cho bộ tộc này…Theo mình được biết, người Sherpa chiếm khoảng 5% dân số Nepal, chuyên sống tại các vùng núi cao, quanh năm băng giá tại quốc gia này…

Vậy tại sao mình lại ngưỡng mộ như vậy??? Tối hôm qua khi tụi mình đến Guest house, đang ngồi sưởi ấm trước lò củi, được đun nấu bằng phân bò, thì có một đám khoảng 6 người đàn ông xông vào, lúc đó khoảng 8h tối. Ngoài trời nhiệt độ khoảng -8 độ C, sau khi vào thì mỗi người gọi 1 lon bia ra uống, thêm vào đó là 1 đĩa đồ ăn, mình không rõ là thức ăn gì nhưng mấy người đó ăn toàn bốc tay. Hỏi anh Guide thì biết mấy người này là người Sherpa, đang lên núi để chuẩn bị dọn đường cho những ai leo Everest. Điều đáng nói là điểm dừng chân Guest House hôm qua chúng tôi trú lại, phải mất hơn 5 ngày trời mới lên tới đó, thì những người này chỉ đi trong ngày, mặc kệ thời tiết, đường đi thế nào. Tụi mình trekking nhưng tầm 4h chiều phải vào khách sạn, vì trời về chiều đã xuất hiện sương mù và tuyết rơi, thời tiết rất lạnh, không thể đi bộ được, cộng với việc đường trơn rất dễ rớt xuống vực, ấy vậy mà những người này lại băng băng trong khoảng thời gian 8h tối :(((

Đính chính với mọi người rằng, Đợt lần này, mình đi Everest Base Camp, đó là điểm dừng chân cuối cùng trước khi đi vào Dead Zone. Muốn lên đỉnh cao nhất của Everest phải qua Camp 1, Camp 2, Camp 3, Camp 4 rồi mới lên độ cao cao nhất…Mỗi lần qua 1 camp sẽ phải chờ thời tiết tốt rồi mới lên camp tiếp theo. Tức là nếu bạn ở Camp 1, phải chờ trời nắng đẹp, ít gió rồi mới đến Camp 2. Nếu ai đã xem bộ phim Everest thì sẽ biết ở độ cao từ 6000m trở lên thì rất dễ có bão tuyết và thiếu oxy, càng lên cao, không khí càng loãng. Thêm một chi tiết thú vị là, cứ đặt chân lên 1 camp, bạn phải ở lại đó 1 ngày để thích nghi với độ cao, không là sẽ bị sốc (mình đã bị sốc đến nỗi chảy máu mũi, đầu óc choáng váng). Đấy, cứ thế từng camp 1, chờ thời tiết tốt thì mới lên tiếp theo được. Nếu trời không đẹp bạn phải quay xuống lại. Tổng thời gian để đặt chân lên đỉnh Everest 8848m phải mất gần 3 tháng,

Tổng chi phí 50000$. Như mình đã nói, phải mất gần 3 tháng bạn mới lên được tới đỉnh, và 3 tháng ấy, 1 người phải thuê ít nhất là 3 người Sherpa, 3 người này có vai trò là 1 người nấu ăn, 1 người mang theo dụng cụ hỗ trợ (bình oxy, thang, dây…) còn 1 người đi đầu để vẽ đường.

Để chinh phục nóc nhà của thế giới, bạn phải là người có kinh nghiệm leo những ngọn núi có độ cao gần bằng và phải được Bộ Lao Động Nepal cấp giấy phép thì mới được leo. Khi đi phải luôn có người Sherpa đi cùng, không thì sẽ bị cấm. Người Sherpa không cao to, vạm vỡ, họ nhỏ con, nhìn lì đòn, nước da ngăm đen vì bị cháy nắng và sương tuyết, họ có thể chịu đựng trong nhiệt độ -30 độ C trong vòng 3 tháng. Nếu so sánh với người Bắc Cực hay Nam Cực thì không thể so sánh được, vì họ đâu có sống trong môi trường thiếu oxy như những người Sherpa này. Mọi người thường nói là chinh phục Everest nhưng thực ra là người Sherpa sẽ đưa bạn lên đỉnh :))) Họ sẽ là người đi trước, dọn đường, bắt cầu, cột dây cho bạn dễ dàng đi hơn..thế đấy, trong trường hợp gặp bão tuyết, họ phải tự mình quay về, còn bạn sẽ được cảnh báo trước quay về sớm hơn. Ngày thứ 5 khi tụi mình đi từ Thukla lên Dingboche, có đi qua một nghĩa trang mà ở đó tưởng niệm những người đã chết vì cố gắng chinh phục Everest, họ đến từ khắp nơi trên thế giới, ước mong một lần chinh phục bầu trời nhưng phải nằm mãi mãi ở đó. Càng biết những thứ như vậy, mình lại càng nể những người Sherpa hơn.

Các bức ảnh mà các bạn đang xem là những hình ảnh thật, những lô hàng trên lưng của họ phải mấy chục kg, đến tận 100kg. Ôi, các bạn Sherpa ah, các bạn thật siêu nhân quá đi…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *