Yêu một người con trai Miền Trung

Vô tình lượm nhặt được tấm hình trên mạng, cũng nghe khá nhiều về tình hình lũ lụt ở miền Trung, không hiểu sao mà năm nay miền Trung hứng chịu nhiều giông bão đến thế, giữa năm là dịch bệnh, giờ lại trở thành tâm điểm của rốn lũ, bà con lại khổ rồi. Tèo thì sao? Cái cảm giác này nó dần trở nên bình thường, thương thì thương đấy, nhưng tiếp xúc nhiều trở thành quen thuộc. Mọi người nếu thử về miền Trung một lần, hỏi các cô các chú trạc ngũ tuần, sẽ nghe rằng ai cũng từng trải qua những trận bão lũ như thế này ít nhất vài chục lần trong đời. Quê Tèo nó vậy đó, cứ vào dịp cuối năm, nhà nhà ai cũng sẵn sàng cái tinh thần dọn dẹp nhà cửa. Năm nay mùa mưa bão đến như thế này cũng hơi muộn, vì qua Trung thu, mấy bé còn được hưởng cái Tết tình thân một cách trọn vẹn.

Tèo vẫn còn nhớ như in, lúc Tèo còn bé, đấy là trận lũ dường như là lớn nhất trong lịch sử. Hồi ấy còn nhỏ và ngây thơ, lần đầu tiên nhận thức được lũ lụt là cái gì. 1999 năm ấy, nước ngập đến hơn nửa nhà, phải chui lên trên gác mà ở. Cơn lũ năm ấy ập tới, mọi người ở quê dường như mất tất cả: lúa nước, heo gà vịt…mất hết, mất tất cả. Cả nhà Tèo hồi ấy chỉ có mẹ, ông bà ngoại và chị, chui hết lên cái gác lửng ngồi chờ nước rút, mà chờ hoài cũng không thấy hết. Trong nhà cũng chẳng có gì để ăn, mì gói và mắm cấy kho quẹt là 2 món xa xỉ nhất lúc này. Nhắc về món mắm cấy kho quẹt, mọi người đừng nghĩ nó giống như kho quẹt của người miền Tây nhé, vì ở miền Tây món kho quẹt có tôm khô và thịt ba chỉ xắt nhỏ, còn ở nhà Tèo lúc đấy là món mắm cấy, kho cho thật mặn, để dành ăn dần, một thố như vậy có thể ăn cả tháng trời mà không hết, vì nó mặn lắm :)))) Các bạn ở miền Nam hoặc miền Tây dường như không thể ăn món này được, vì mùi đặc trưng, nói thẳng ra thì hơi hôi một chút, nhưng đó là một trong những món khoái khẩu của người miền Trung, mỗi lần về quê thì không thể nào không ăn được. Mì gói thì hồi đó không có chỗ mua, chỉ có trực thăng cứu hộ, bay trên đầu, quẳng mấy thùng mì xuống, ông ngoại Tèo hồi đó lội nước dần ra lượm về cho cả nhà cùng ăn. Mà tính ra ông bà ngoại cũng hay, dự đoán được hay sao mà nấu sẵn mắm cấy với nước sôi để đó, thế là nhà Tèo nguyên 1 tuần như vậy, mặc dù nuốt không nổi nhưng cũng không đến mức phải nhịn đói. Bắt đầu nước rút dần, mọi người hì hục nhau ra cào buồn non, buồn non hay gọi là phù sa ấy các bạn, nếu mà không cào thì nó sẽ đóng thành lớp lớp, nước mà rút hẳn thì chỉ có chịu chết, nên thành ra, dù có là nửa đêm, tận dụng dòng chảy sót lại, ai cũng phải tranh thủ để mọi thứ trở lại nguyên bản nhất. Nhớ những đêm nằm trên gác, nghe tiếng mưa gõ trên mái hiên nhà, dưới mênh mông nước, ông bà ngoại kể chuyện về hồi xưa cũ, về những năm tháng đi đánh giặc bên Lào, nghe dần nghe dần rồi Tèo chìm vào giấc ngủ…

Chúng ta thường nghe người miền Nam miền Bắc nói rằng người miền Trung thường keo kiệt, ai lịch sự hơn thì bảo người miền Trung tính toán chi tiêu rất giỏi. Nhưng điều này cũng không có gì là to tát, những định kiến về người dân miền Trung vẫn luôn thường trực quanh đời sống. Bạn nào có dịp ghé miền Trung nhiều sẽ biết rằng nơi đây đúng là một vùng đất khắc nghiệt. Mùa nắng thì nắng như thiêu như đốt, nắng nức đất, nắng không có cây nào sống nổi, nắng đến khô người. Mùa mưa thì mưa từ sáng đến tối, mưa suốt ngày suốt đêm, mưa lạnh thấu xương thấu thịt. Đất đai thì cằn cỗi khó trồng trọt chăn nuôi. Bỏ công bỏ sức cả năm trời để làm ăn nhưng chỉ cần một trận lũ một cơn bão là mất tất cả. Mà nếu chỉ như vậy thì quả thật cũng còn bình thường quá so với những gì miền Trung phải đương đầu. Ở miền Nam, hằng năm có mùa nước nổi, còn ở miền Trung có mùa nước lụt. Nước nổi thì người ta mừng, chứ mỗi lần nước lụt là mỗi lần tan thương. Nước nổi người ta bắt cá bắt tôm, nước lụt thì chết gà chết heo, chết người, mọi thứ đều trôi theo dòng nước. Mỗi năm người miền Trung đón vài ba mùa nước lụt. Hồi học đại học, có mấy người bạn trong Nam của Tèo thật họ mong có bão xem như thế nào. Bạn biết không, hầu hết các cơn bão trong một năm đều nhắm về miền Trung. Và cứ mỗi lần bão quét qua là mỗi lần tan thương. Căn nhà mới sửa lại từ mùa bão trước vẫn còn chưa kịp quét lại vôi thì bão đến lần này lại tốc mái, bay tôn, nhà sập, cây đổ, người chết…một đống hoang tàn.

Rủ một người miền Trung đi chơi, đi nhậu, họ có thể dễ từ chối. Không phải vì họ không muốn tham gia, mà bởi vì họ yêu quý tài sản của họ, vì nó là thứ họ không dễ có được. Nếu muốn chi tiền mua một cái gì, họ phải suy nghĩ rất kĩ, và phải thực sự phù hợp thì họ mới quyết định. Vậy nên, đôi lúc Tèo cũng nghe được người miền Trung chi tiêu hà tiện. Người miền Trung luôn trong tình trạng tính toán mọi thứ vì cái nghèo đeo bám quá lâu, có thể họ không muốn mất những gì họ vất vả mới có được. Người cha người mẹ ở miền Trung làm lụng vất vả quanh năm, tích cóp một chút một, nhưng rồi cũng dành hết cho con cái ăn học. Vì họ biết rằng, chỉ có con đường học vấn mới giúp họ thoát nghèo. Mọi người cũng thấy, tỉ lệ đổ thủ khoa hoặc điểm cao, chiếm đa số ở các vùng nông thôn và miền Trung là một trong các số đó. Người miền Trung ham học, chịu cày và cực kì tiết kiệm, họ tiết kiệm để có thể sửa lại cơn nhà sau mỗi lần mưa bão, để mua lại tập vở cho con em đến trường, để có thể đương đầu với mọi điều khắc nghiệt nhất mà thiên nhiên luôn chực chờ để đổ lên đầu. Tuy vậy nhưng một lần bạn hãy thử một lần đến miền Trung, nhà nghèo nhưng họ rất tự trọng và mến khách. Họ luôn dành những gì tốt nhất trong tủ để chiêu đãi những người bạn đến chơi.

Yêu một người con trai miền Trung cũng vậy. Có thể họ không lãng mạn, họ khô cằn, suốt ngày chỉ cắm đầu vào làm việc và làm việc, không phải là họ không muốn nghỉ ngơi, họ không muốn đi chơi, nhưng họ luôn suy nghĩ về những điều rủi ro có thể xảy ra trong tương lai, những điều mà họ không thể biết trước được, giống như bao mùa mưa bão, dù họ không muốn nhưng nó vẫn xảy ra. Con trai miền Trung nếu đã yêu thì yêu đến tận xương tủy, yêu tình cảm yêu say đắm, nhưng cái cách họ tiêu tiền khác hẳn với con trai miền khác. Vậy nên, Tèo vẫn thường nghe ba mẹ Tèo nói, nếu sau này có cưới thì hãy cưới một cô con dâu miền Trung, không phải vì các miền khác không tốt, mà là vì người miền Trung ở với nhau, biết tính của nhau, biết nơi sinh ra và lớn lên có cái gì, sau này hiểu nhau khó gặp xích mích. Tất nhiên, ở đời luôn có người này người khác, không thể đánh đồng hết tất cả, nhưng xuất phát người miền Trung nó vậy, đôi khi cũng nên hiểu cho những quyết định của họ.

Có căn nhà nằm nghe tiếng mưa

Có con tim vẫn còn lỗi nhịp

Có bước chân quay vội sau trút nắng

Có nỗi nhớ đong đầy theo tháng năm

Sài Gòn hôm nay trời mưa, ngồi đọc vài trang báo và gọi video call về cho gia đình mà lòng tràn đầy lo lắng. Thôi thì cầu mong những điều tốt đẹp nhất đến với bà con, thương lắm miền Trung ơi!!!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *